Chủ Nhật, 13/10/2024 17:21 CH
Giáo dục  nề nếp gia đình
Thứ Năm, 15/12/2016 09:26 SA

Một tiết mục tham gia Hội thi Gia đình hạnh phúc tỉnh Phú Yên năm 2016 (ảnh chỉ có tính minh họa) - Ảnh: TUYẾT DIỆU

Dù xã hội có phát triển, có văn minh đến đâu thì gia đình vẫn là nơi sinh thành, là tổ ấm của những con người cùng huyết thống. Gia đình có một chức năng rất quan trọng đối với xã hội là duy trì sự kế thừa những nét đẹp giữa các thế hệ, trong đó, nề nếp của gia đình là một trong những giá trị cần được chuyển giao, kế thừa.

 

Có rất nhiều cách hiểu về nề nếp gia đình cũng như quan điểm về giáo dục nề nếp trong gia đình, song có thể hiểu đó là những quy định chung trong nếp sống của mỗi gia đình mà mọi thành viên phải tuân thủ. Tất nhiên, đó phải là những quy định hợp lý, tích cực.

 

Trong gia đình có nhiều thế hệ sống chung cần quy định thái độ, hành vi của con, cháu đối với ông bà. Bên cạnh đó còn có nề nếp về học tập, về phân công lao động, tiết kiệm, về trật tự, vệ sinh... Các quy định trên càng chính xác, tỉ mỉ càng tốt, đặc biệt đối với trẻ nhỏ, phải hợp tình hợp lý. Việc giáo dục cho con những nề nếp có giá trị lâu bền cần được chọn lọc để những điều đó có thể trở thành “tài sản” suốt đời người như: trật tự, ngăn nắp, sạch sẽ, tiết kiệm, trung thực, ham học hỏi, quan tâm đến mọi người, có ý thức trách nhiệm...

 

Ngoài ra cần có sự phân công rõ ràng để mỗi thành viên trong gia đình thấy rõ trách nhiệm của mình; có sự hướng dẫn, nhắc nhở thực hiện một cách tỉ mỉ và có sự kiểm tra đánh giá việc thực hiện nề nếp của mỗi người. Việc phân công không cứng nhắc mà phải giúp mọi người có thể chia sẻ với nhau trên nguyên tắc “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”.

 

Trong đời sống hàng ngày, mỗi cử chỉ, hành vi của cha và mẹ đều có ảnh hưởng rất lớn đến nếp sống của các thành viên (cách tổ chức cuộc sống như trang trí nội thất, thu xếp nhà cửa, nấu nướng, cách giao tiếp ứng xử...). Trẻ sinh ra và lớn lên trong những gia đình có nề nếp khi lớn lên sẽ hình thành, gìn giữ được các lễ nghi, phong tục tốt đẹp.

 

Một nội dung cơ bản của giáo dục Việt Nam là giáo dục đạo hiếu, nghĩa là hướng dẫn những nguyên tắc ứng xử hợp tình, hợp lý, hợp lễ nghĩa trong xã hội. Điều này chủ yếu liên quan đến cách ứng xử của người ít tuổi đối với người nhiều tuổi, của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Điều cần thiết nhất ở đây là việc giáo dục diễn ra hàng ngày, thường xuyên thông qua lời nói, cử chỉ trong sinh hoạt. Theo truyền thống gia đình Việt Nam, chữ hiếu có hai đặc điểm: con cháu nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ khi về già. Đây là đạo làm con. Tuổi già phải được xem là của báu. Con cháu phải biết nghe lời dạy bảo của ông bà, cha mẹ; không được sống tùy tiện, buông thả, mà phải sống theo nếp nhà. Nếp nhà theo nghĩa là có hiếu nghĩa nhân ái, có công - dung - ngôn - hạnh, có tiên lễ - hậu văn...

 

Ngày nay, do tác động của nền kinh tế thị trường, lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền đã làm suy giảm đạo hiếu trong một số gia đình.

 

Nhiều kết quả nghiên cứu cũng cho thấy những mô hình gia đình văn hóa mang tính định hướng, có thể coi như những tiêu chí xây dựng gia đình mới của tuổi trẻ, tiếp thu ảnh hưởng tích cực của giáo dục gia đình truyền thống, thường coi trọng đạo lý, văn hóa tinh thần hơn là mục tiêu kinh tế. Các tiêu chí đưa ra là: Gia đình hòa thuận; con ngoan học giỏi; cha mẹ già được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo; sống lành mạnh, trong sạch, văn minh; vợ chồng có trình độ văn hóa, học vấn; đời sống kinh tế đảm bảo.

 

ĐỨC THÀNH

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek